SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Bệnh sốt xuất huyết hiện nay đang có nguy cơ gia tăng. Việc thường xuyên xuất hiện mưa vào mỗi buổi chiều tối, nắng nóng vào buổi sáng sớm và trưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển, làm lây lan nhanh chóng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư.
Vì vậy, cần tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Vì vậy, cần tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là tình trạng sốt cấp tính do virus Dengue gây ra, được truyền cho người qua vết đốt của trung gian muỗi vằn Aedes aegypti mang virus, với đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi, phát ban xuất huyết.
Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Các dấu hiệu của sốt xuất huyết
Các triệu chứng sốt xuất huyết thường xuất hiện từ 4-10 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Các triệu chứng hay gặp bao gồm: Sốt cao, có thể trên 40oC; Đau đầu dữ dội; Đau cơ và khớp; Cơ thể suy nhược; Ban đỏ lan rộng; Ăn mất ngon; Mệt mỏi; Buồn nôn; Phát ban trên da, xuất hiện từ hai đến năm ngày sau khi bắt đầu sốt; Xuất huyết nhẹ (chảy máu mũi, chảy máu nướu hoặc dễ bầm tím).
Các triệu chứng thường dịu đi trong khoảng một tuần, mặc dù bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi và không khỏe trong vài tuần sau đó. Những người có hệ thống miễn dịch yếu cũng như những người có tiền sử mắc bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ cao phát triển bệnh sốt xuất huyết. Trẻ nhỏ và những người chưa bao giờ bị bệnh có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với trẻ lớn tuổi và người lớn.
Biến chứng sau sốt xuất huyết
Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết
Biến chứng thường gặp nhất sau sốt xuất huyết chính là thoát huyết tương. Biến chứng này không hề đơn giản mà có thể dẫn tới tử vong. Cụ thể khi hiện tượng thoát huyết tương xảy ra chúng sẽ tràn qua thành mạch dẫn đến việc cơ thể bị mất nước có dung tích lớn trong tuần hoàn. Từ đó gây ra hiện tượng Trụy mạch. Giả sử huyết tương bị thoát ồ ạt chúng sẽ làm cho cơ thể người bệnh trướng bụng và cổ.
Một biến chứng sau sốt xuất huyết có thể kể đến đó là tình trạng rối loạn đông máu. Biểu hiện cụ thể đó là rong kinh lâu ngày, chảy máu chân răng, chảy máu cam thậm chí là xuất huyết nội tạng. Ở người lớn có thể gặp tình trạng xuất huyết não. Đây cũng chính là nguyên căn gây ra những cái chết đáng tiếc cho người bệnh.
Ngoài ra, sốt xuất huyết có thể để lại biến chứng về mắt. Trong trường hợp xấu, bệnh nhân có thể bị mù đột ngột dù không hề cảm thấy đau nhức mắt. Lý do cơ bản có thể giải thích là hiện tượng xuất huyết võng mạc dẫn tới các mạch máu của mắt bị tổn thương và máu cũng sẽ thấm vào những lớp mỏng che trước võng mạc làm cho mắt người bệnh có thể mù một cách bất ngờ.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Việc điều trị bao gồm việc làm giảm các triệu chứng của bệnh. Bạn có thể tự chăm sóc mình ở nhà dựa vào một số lời khuyên sau đây:
- Dùng thuốc paracetamol để giảm cơn đau và hạ sốt – không dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể làm nặng thêm tình trạng xuất huyết.
- Uống nhiều nước để tránh cơ thể bị mất nước – nếu bạn đang ở nước ngoài, chỉ nên uống nước đóng chai để bảo đảm an toàn. Bổ sung dung dịch oserol để bù nước và điện giải.
- Bạn cần nghỉ ngơi nhiều, ăn món ăn dễ tiêu hóa (súp, cháo) và tránh ăn thức ăn khó tiêu.
- Dùng nhiều trái cây tươi và nước ép để bổ sung vitamin C, bởi vì đây là chất có vai trò quan trọng trong việc hồi phục cơ thể khi mắc bệnh sốt xuất huyết. Loại vitamin này hỗ trợ trong việc sửa chữa, tăng trưởng và phát triển các mô bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, vitamin C còn nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch bằng cách tăng cường kháng thể và sản xuất tế bào bạch cầu.
Phòng bệnh sốt xuất huyết
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
Các biện pháp diệt muỗi vằn
Để phòng bệnh sốt xuất huyết cần phải loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi và diệt bọ gậy. Các gia đình cần tiến hành các biện pháp sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.
- Một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Do đó, các hộ gia đình có thể thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Lau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (chum, vãi, ...) hàng tuần. Có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.
- Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát... thì người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng.
- Bình đựng hoa phải thường xuyên được thay nước.
- Xông khói để xua muỗi.
- Lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước.
- Phát quang cây cối: Vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
- Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh./.